Đóng

Miền quê ngoại – sự đồng điều của ký ức tuổi thơ thế hệ 8X

 

Cũng như bao người khác, chúng ta được sinh ra, lớn lên, học tập và làm việc, bị cuốn theo vòng quay của cuộc đời. Và lơ đãng sống ngày qua ngày với những bộn bề lo toan. 

Bước qua cột mốc 30. Ở cái tuổi đã quá trưởng thành, nên đã nhạt phai quá nhiều sắc hồng trong đôi mắt. Đã lâu lắm rồi tôi dần như quên mất đi mình đã từng là một đứa trẻ hồn nhiên như thế nào? Và… đôi lúc tôi chợt mong muốn tìm lại tôi của những năm tháng ấy!

“Miền Quê Ngoại” – một quyển sách nhỏ nhắn nằm gọn gàng trên kệ sách. Màu xanh dịu dàng mát rượi đó đã dễ dàng cuốn tôi về với một miền tuổi thơ đầy cảm xúc. 

Từ những trang viết đầu tiên, tôi đã bất ngờ và thổn thức biết chừng nào. Tôi không nghĩ rằng mình có thể đọc được một quyển sách thân thuộc đến như vậy. Cứ như mình chính là nhân vật trong truyện. Tác giả thật sự đã đạt được điều mà mình mong muốn. Đó là kéo người đọc vào từng bức tranh qua từng nét chữ.

Có thể vì phần lớn nội dung khá giống với ký ức của mình. Nên tôi không khỏi bồi hồi khi có thể chạm được từng cành cây ngọn cỏ lướt qua trong trí nhớ mỏng manh này. Tôi như ngửi thấy mùi hương trên lưng của mẹ, mùi khói thuốc của ba, mùi mồ hôi của hai anh em khi cùng nhau chơi đùa.

Tôi như đã được quay lại, được vui đùa với rất nhiều trò chơi dân gian của vùng quê nghèo khó. Bên cạnh những nét bút đầy màu sắc tuổi thơ, thì cũng có những nỗi buồn rất đồng cảm.

Vì bản thân mình cũng có một người anh trai. Nên tôi rất yêu quý tình cảm của hai anh em Bành và anh Nhí, tuy còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, biết yêu thương và nương tựa vào nhau.

Tôi cũng rất kính trọng tình thương của ông bà Ngoại dành cho con cháu. Ở cái tuổi nên hưởng phúc, long phụng phải sum vầy, thì phải nghẹn ngào nhìn cảnh con cháu tha hương, và vất vả chăm nom hai đứa cháu nhỏ. Đôi mắt tôi không khỏi ngân ngấn lệ, khi bức tranh ấy hiện ra trong tâm trí.

Nhưng biết phải làm sao! Cuộc sống thăng trầm đâu ai lường trước được. Tôi ở cương vị của một người lớn như bây giờ, chắc cũng gần như tuổi ba mẹ Bành trong thời gian đó. Tôi hiểu được tính cách và quyết định của ba má Bành. Ánh mắt nặng nhẹ của xóm làng, cơm áo gạo tiền, vất vả lo toan nằm nặng chịt trên đôi vai và đôi tay, thì tình yêu thương dành cho cha mẹ già và con cái chỉ có thể nằm im trong trái tim. 

Phần kết của câu chuyện là những cảm xúc đan xen nhau. Nụ cười khẽ mĩm trên môi khi biết được cuộc sống gia đình Bành đã có phần khởi sắc. Nhưng những giọt nước mắt lặng lẽ rơi khi phải xa Ngoại rồi. 

Mặc dù có những nổi buồn rất đời, khiến mình thổn thức, nhưng cảm ơn tác giả vì đã không khắc hoạ theo chiều hướng thê lương. Mà tôi thấy đây là một khung cảnh rất đẹp, tôi cảm nhận được sự thanh thản khi Ngoại ra đi, và những điều ngọt ngào dù là gia đình có khó khăn vất vả. Điều đó như truyền tải một thông điệp rằng dù cuộc sống có như thế nào, chúng ta hãy cố gắng sống cùng với nó, chúng ta sẽ nhận được những thứ mà khi sung sướng ta không thấy được, đó là tình yêu thương và nổi nhớ chân thật của những người thân yêu, cái ôm thật chặt và giọt nước mắt hạnh phúc. Cảm giác như ta được uống một cốc nước lã trên sa mạc khô cằn vậy.

Đóng sách lại khi trời đã về chiều. Màu hoàng hôn đang dần buông xuống. Tôi khẽ nhìn lại mình ở hiện tại. Tôi đã tìm lại được hình bóng của mình ở tuổi thơ, những kỉ niệm và ký ức quý giá mình từng có. Điều đó nhắc nhở tôi phải trân trọng từng khoảnh khắc ngay bây giờ, đó là màu xanh của tuổi trẻ.

Cảm ơn tác giả – chị Tuyền Nguyễn – bé Bành đã tái bản lại quyển sách này, để tôi có cơ hội đọc nó, để sống lại những ký ức tuổi thơ lâu nay tưởng chừng đã quên đi. 

Mong chờ chị tiếp tục tái bản những tập truyện khác, để có dịp đọc và tận hưởng nó vào những ngày yên bình như hôm nay.

( Review từ Thiên Vân )