Đóng

Miền quê ngoại – trang sách giúp bạn tìm lại năm tháng ấu thơ

Quê ngoại – hai tiếng thiêng liêng, trìu mến, là nơi có người ông tuy nghiêm khắc nhưng tràn ngập tình yêu thương, có người bà hiền từ nhân hậu đang móm mém nhai trầu. Tuổi thơ của mỗi người là một hồi ức thật đẹp, trong sáng và đầy ắp kỷ niệm. Là những ngày tháng rong chơi, đắm mình trong dòng sữa ngọt ngào của mẹ thiên nhiên, là cánh diều bay phấp phới trên bầu trời xanh biếc, là những suy nghĩ bồng bột của những đứa trẻ ngây dại…

“Miền quê ngoại” là câu chuyện kể về những năm tháng ấu thơ phải sống xa gia đình của cô bé Bành. Miền quê ngoại với cô bé ấy là bàn tay ấm áp của bà xoa lưng, vỗ về mỗi khi giật mình tỉnh giấc, thảng thốt gọi má trong cơn mơ; là ánh mắt hiền từ trìu mến của người ông chưa một lần nổi giận; là những lời an ủi đồng cảm, đầy yêu thương của anh Nhí; là những trò chơi, những lần nghịch ngợm cùng lũ trẻ trên cánh đồng quê lộng gió. Có nơi nào êm đềm và ngọt ngào hơn miền quê ấy?

Bành – một đứa trẻ đã từng trải qua những ký ức đau buồn trong quá khứ, cô bé không hạnh phúc như bao đứa trẻ khác, Bành có một tuổi thơ “đầy biến động theo cuộc đời đầy thăng trầm của má ba”. Và chính tác giả đã kể lại cuộc đời mình trong những trang sách để lưu lại một phần đời mình đã sống.

Do làm ăn thua lỗ nên gia đình Bành rơi vào cảnh khó khăn, người cha vì sĩ diện nên đã đưa vợ và những đứa con vào Sông Ray làm ăn, gửi lại Bành và anh cho ông bà ngoại nuôi. Và từ đó, những kỉ niệm tuổi thơ của cô bé với biết bao nhiêu cảm xúc vui, buồn dần theo cô từng ngày. Khi ở nhà cô Ba nằm mơ thấy ác mộng, khóc chẳng ai nghe thấy. Khi lỡ tay xé vở để gấp thuyền chơi bị cô phát hiện phải thú nhận với bà, nhưng bà cũng chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Cũng có lần cô bé lỡ làm mất tiền học phí, sau khi bà biết chuyện, vì thương bà nên kể từ lần ấy Bành chẳng dám xin thêm tiền tiêu vặt để mong có thể bù lại số tiền ấy… Những kỷ niệm ngọt ngào, những món ăn khó quên của tuổi thơ, những lần đòn roi vì nghịch dại, những khao khát bé bỏng mà chẳng bao giờ trưởng thành.

Tôi rưng rưng nước mắt khi cảm nhận được khát khao đêm giao thừa được gặp má của cô bé Bành, lòng mong mỏi, đợi chờ ba má về cùng mình đón giao thừa. Làm sao mà kể xiết nỗi nhớ mong ba má của Bành cơ chứ? Ông bà ngoại tuy đã già, nhưng vẫn luôn dành cho cô bé và người anh trai một thứ tình cảm ngọt ngào, ấm áp của một gia đình, sự yêu thương ấy giúp hai anh em không còn cảm giác cô đơn xua tan đi những thiệt thòi, thiếu thốn khi sớm phải xa gia đình từ khi còn nhỏ.

Tuổi thơ còn có những người bạn thân thiết, cùng nhau vui đùa, nghịch ngợm. Bạn thân của Bành là Thảo Cái, lúc trước thì đánh nhau cãi lộn rất nhiều rồi thành thân thiết luôn. Bành trở thành “cô giáo” dạy Thảo Cái học chữ, hai đứa ngồi học trên bờ mương đầy hoa cỏ dại, chơi đùa cùng nhau trong suốt những năm tháng của tuổi thơ. Bạn của Bành còn có Yến, luôn phải chăm em, thường xuyên bị mẹ la vì làm em ngã… Nhí – một người anh rất tốt bụng, yêu thương em gái vô cùng. Tuy còn nhỏ nhưng đã nuôi trong mình những suy nghĩ trưởng thành, mong muốn mai sau làm được điều gì đó giúp đỡ cho gia đình mình.

Ngày ngoại ra đi, “tôi không khóc, nhưng khoảng khắc ấy vẫn còn theo tôi đến tận bây giờ”. Tôi cảm thấy động lòng và rơi nước mắt khi thấy rằng dù đầu đã hai thứ tóc nhưng bà vẫn tận tụy vì con cháu, dành hết tình yêu thương để nuôi dưỡng chúng trưởng thành. Bà ra đi, chỉ còn mỗi hai ông cháu, ngôi nhà trở nên trống vắng hơn. Vì sợ ông ngoại một mình không thể chăm sóc được cô bé nên ba mẹ Bành đã tính gửi cô bé lên nhà một người thân khác. Rời xa nơi này, có quá nhiều kỉ niệm khiến cho cô bé nhớ mãi khôn nguôi. Bành định nói lời tạm biệt và mang theo lời hẹn gặp lại với những người bạn gắn bó với mình trong suốt thời gian ấy nhưng đáng tiếc lại chẳng gặp được ai.

Đây thực sự là một cuốn sách hay, cuốn sách dành cho những ai muốn quay về những năm tháng tuổi ấu thơ, muốn được vùng vẫy thỏa thích với thiên nhiên, thả hồn theo gió. Tuổi thơ của Bành tuy không được bên cạnh ba mẹ trong suốt hành trình trưởng thành nhưng nó đã ăm ắp những kỷ niệm tuyệt vời.

Tác giả nói: “ Ngày thơ bé nghĩ rằng mình không có tuổi thơ đủ đầy như người ta, mãi đến khi trưởng thành mới nhận ra đó là một món quà vô giá mà số phận đã ưu ái dành cho cuộc đời mình”. Tuổi thơ của Bành là tình yêu thương vỗ về của ông bà ngoại, là nỗi niềm mong nhớ da diết ba má, mong một bữa cơm gia đình sum họp, là những ngày rong chơi cùng bạn bè trên cánh đồng quê, là sự ngây dại của tuổi thơ, là những lần được bà vỗ về cho kẹo bánh… Còn tuổi thơ của bạn? Có ngọt ngào và đầy ắp những kỉ niệm tuyệt vời như Bành không? Bạn có muốn nhìn lại tuổi thơ của mình một chút hay không?

( Thu Cúc – Review từ Fahasa ngày 25/07/2020 )