Đóng

Đọc “Miền Quê Ngoại” để bồi hồi tìm lại ký ức tuổi thơ của chính mình

 

Một lần nữa được đắm chìm vào không gian xanh ngắt, êm dịu, đẹp như tranh vẽ dễ ru lòng người của miền quê Việt Nam qua tác phẩm Miền Quê Ngoại của nhà văn Tuyền Nguyễn. Một lần nữa được hòa vào niềm vui với những trò nghịch ngợm của trẻ em nông thôn Việt Nam kể từ khi đọc Bao Giờ Cho Đến Ngày Xưa. Trong cả hai tác phẩm tác giả đều tái hiện khung cảnh êm đềm của tuổi thơ mà ai cũng ước mong được trải qua dẫu chỉ một lần.

Miền Quê Ngoại là tuổi thơ của bé Bành, vì cha mẹ làm ăn thất bại, nhà cửa bị niêm phong, của cải trong nhà bị người ta lấy đi hết. Chị Hai, anh Ba và anh Tư của Bành phải theo bố mẹ vào tận Sông Ray bắt đầu lại từ đầu. Chỉ còn Bành và anh Nhí dọn về nhà ông bà ngoại ở. Những tháng ngày phải sống xa gia đình, sống xa cha mẹ thực sự là nỗi buồn không thể nguôi ngoai đối với hai anh em. Bành và Nhí nương tựa vào nhau để quên đi nỗi nhớ gia đình, hạnh phúc sống trong tình thương vô bờ bến của ông bà ngoại. Đây cũng là nơi in đậm dấu ấn hồi ức tuổi thơ của Bành, gần như Bành đã sống gần trọn tuổi thơ ở đây, cái thuở ngây thơ nhất, bé bỏng nhất của cô đã trải qua ở đây nếm đủ những cay đắng ngọt bùi.

Hai chương tôi thấy xúc động nhất là Giao Thừa Không Có Má và Ra Giêng. Hai chương này đã lột tả đầy đủ nỗi cô đơn của hai anh em khi Tết không có gia đình quây quần. Tình yêu của ông bà ngoại có lớn đến thế nào cũng vẫn không đủ bù đắp. Từng câu chữ hiện lên xót xa, nhất là thời điểm Tết cũng đang đến gần nên càng đọc càng thấm. Đó cũng là tình cảnh chung ở làng quê Việt Nam bây giờ, khi những đứa con làm ăn xa nhà chỉ mong Tết được về đoàn tụ với người thân với gia đình, khỏa lấp đi phần nào những ánh mắt mỏi mòn. Tuy nhiên, Bành và Nhí vẫn là trẻ con nên nỗi buồn không đeo bám các em được lâu. Bản tính hồn nhiên của con trẻ luôn có dịp bùng phát trong khung cảnh thôn quê trong veo. Bành và Nhí cùng Thảo Cái, Yến….. lúc nào cũng bày những trò vui chơi với nhau, tiếng cười rộn vang khắp đồng. Độc giả vừa vui vẻ, sảng khoái với thế giới hồn nhiên của lũ trẻ, vừa thoáng buồn trước gia cảnh cơ cực, xót xa của từng đứa.

Đọc Thảo Cái trong truyện này mình lại nhớ đến thằng Hận trong Bao Giờ Cho Đến Ngày Xưa. Kết truyện người đọc lại một phen tò mò về “chuyện tình” giữa Bành với Thảo Cái. Kết truyện cũng lửng lơ, cũng một lần nữa Bành phải xa những người bạn thân mà không hẹn ngày trở lại. Chính mối quan hệ giữa Bành với Thảo Cái, những trò nghịch tai quái, ngộ nghĩnh và những khoảnh khắc buồn của hai đứa đã thổi hồn vào truyện. Những hồi ức vui vẻ, ngây thơ này phủ một sắc màu tươi vui, ngộ nghĩnh lên tác phẩm, xua đi không khi u buồn mang mác. Nhất là sau khi Nhí cũng ở lại với cha mẹ và anh chị ở Sông Ray, bỏ lại Bành một mình ở với ông bà ngoại.

Hai điều tôi thích ở Miền Quê Ngoại, một là tác giả đã thêm vào khung cảnh êm đềm, đẹp đẽ ấy nhưng gam màu buồn và đôi chút kịch tính. Tôi vốn không chịu nổi những tác phẩm tâm lý quá êm đềm, một chiều, cái gì cũng đẹp cái gì cũng dễ chịu, cũng nhẹ nhàng. Kịch tính ở đây là những chi tiết liên quan đến gia đình Bành qua con mắt, suy nghĩ của một cô bé tuổi còn nhỏ. Mặc dù không quá đi sâu mà chỉ chấm phá, tuy nhiên chi tiết này xuyên suốt tác phẩm, dẫn đến những tình tiết hợp lý về sau, vui có buồn có xen lẫn. Chẳng hạn như khi Bành sau khi mất nhà tạm ở nhà cô Ba. Mặc dù chỉ ở đây một thời gian ngắn ngủi, nhưng đã khắc họa đầy đủ câu nói: Chẳng ai thương ta quên mình bằng cha mẹ. Cho dù có là người thân ruột thịt, nhưng ở nhà cô Ba Bành vẫn không có được hạnh phúc, không thể nào được yêu thương như con ruột. Trái lại là những nhiếc móc, những ghen tị, những hắt hủi của hai đứa em họ. Cuối cùng Bành chỉ tìm thấy sự ấm áp trong vòng tay ông bà ngoại.

 

Đọc Miền Quê Ngoại tựa như làn gió mát của mùa Xuân mới, tôi có cảm tưởng như mình ngửi thấy mùi hương đất, mùi nhang thơm, mùi hương quê ngập tràn trên trang viết. Hai là truyện dù mang không khí u buồn với mất mát nhưng không bi lụy. Người đọc vẫn có thể khóc, nhưng vẫn có thể cười. Cái buồn ở đây chẳng khác gì nỗi buồn của trẻ nít, buồn đấy rồi cũng chóng quên đấy. Tác giả kể lại hồi ức tuổi thơ buồn nhưng thật đẹp, buồn nhưng vẫn bừng sáng cái nhìn lạc quan về tương lai. Một tác phẩm thực sự đáng đọc khi Tết sắp về!

(Review từ Nguyễn Quang Huy)