Đóng

Tác giả chia sẻ về tác phẩm: Bao giờ cho đến ngày xưa

Tác giả nói về tác phẩm

Mỗi chúng ta đều lưu giữ trong tim dòng ký ức ngọt ngào về tuổi thơ của mình. Riêng tôi chọn lưu lại ký ức ấy bằng truyện dài “Bao giờ cho đến ngày xưa”.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Bao giờ cho đến cơn mưa thiếu thời?

Trong một năm ở nhờ nhà chú đi học, Hận, Tú, Thắm, Toàn, Kha và Đông đã cùng tôi vẽ lên bao hồi ức đáng nhớ. Dù đã hơn hai mươi năm trôi qua trong tim tôi vẫn còn động lại một miền ký ức tuổi thơ đẹp đẽ đến vậy. Nhiều khi tôi tự hỏi, trong lòng những người bạn ấy liệu có nhớ rõ mồn một như tôi? Hay bởi tôi đã sớm đến một vùng đất mới nên những hình ảnh về quê hương, bè bạn đã đọng lại mãi trong tôi từ phút giây giã từ.

Những độc giả đọc bản in đầu tiên đã nhắn tin hỏi tôi rằng, chị có gặp lại những người bạn thời thơ ấu ấy không, chị có tìm gặp Hận không, có thật là Hận đã chờ chị suốt hai mươi năm ròng rã… Mọi người đều thương Hận có một tuổi thơ buồn bã vì ba không yêu thương. Mọi người buồn theo hình ảnh Hận ngồi lẻ loi trên gò đất ngập sắc hoa vàng, dõi mắt ra con đường quê hun hút đợi cô bạn năm xưa trở về. Mọi người yêu màu hoa hành trắng ngần mà Hận đã bất chấp đòn roi chạy đến tặng Tuyền trong đêm sinh nhật, rồi dõng dạc nói to, “tao thích mày”, điều mà nhiều chàng trai khi đã trưởng thành đâu dễ gì bật ra câu nói đó trước mặt người mình thương. Hỏi rằng có trái tim nào có thể không rung động trước những cảm xúc ngây ngô của cậu học trò lớp năm dành cho cô bạn mình yêu quý?

Chúng ta không thể gọi tình cảm năm mười tuổi là tình yêu, nhưng những rung động của những trái tim non tơ là có thật. Như thằng Kha, thích nhau nên đôi dép phải để gần nhau, vì nó nghĩ để như thế khi mang vào thể nào hai đứa cũng bước cùng nhau. Thích nhỏ Tuyền thật nhiều nên thằng Kha cẩn thận ngắt từng bông hoa ổi chất đầy một nón, dành riêng cho trái ổi chín thơm lừng. Có điều gì ngây ngô hơn thế không?

Ở độ tuổi lên mười ấy, nếu người lớn biết chúng ta thích một ai đó sẽ bảo, “con nít quỷ, mới nứt mắt đã bày trò yêu đương”. Nhưng tôi thiết nghĩ, người lớn hình như đôi lúc quên đi mình đã từng là trẻ con, dành một sự yêu mến đặc biệt cho một người bạn khác phái cũng là lẽ bình thường của cảm xúc. Tình cảm trẻ con vốn dĩ vô tư và trong sáng biết nhường nào, đôi khi chính những cảm xúc ấy lại nuôi dưỡng tâm hồn một đứa trẻ, dạy chúng biết thế nào là yêu thương, quan tâm bạn bè, cũng có thể biến một đứa trẻ hư thành một đứa trẻ ngoan. Như thằng Kha, chỉ vì con Tuyền không thích mấy đứa hay gây sự, đánh nhau nên nó bỏ tật xấu ấy… Tôi viết lại truyện này khi đã bỏ lại quá xa sân ga tuổi thơ của mình. Nhưng khi những dòng chữ nối đuôi nhau ùa ra trang giấy, từng dòng cảm xúc cũng theo đó tuôn ra, trái tim tôi nhưng sống lại buồn vui, giận hờn của từng nhân vật trong ấy. Cảm tưởng như mình một lần nữa được sống lại tuổi thơ của chính mình.

Bởi là truyện nên có phần hư cấu, bởi là truyện nên có phần nên thơ và mộng mơ hơn đời thật rất nhiều. Tôi lội ngược dòng thời gian tìm về thời thơ bé, để sống lại cho mình những gì chưa trọn vẹn của năm xưa. Nhưng đa phần khi khép lại cuốn sách mọi người đều nghĩ đó là cuộc đời thật của chính tôi. Mọi người tiếc nuối cho tôi sao không tìm về gặp Hận để vẽ tiếp tình yêu Hận đã dành cả tuổi thanh xuân để chờ đợi vì không có ai cười tươi bằng con Tuyền. Khi có lịch tái bản bạn Biên tập viên đã gợi ý tôi viết ngoại truyện. Nhưng tôi chỉ cười vì với tôi cái kết bỏ ngỏ thế này đã là vừa đủ. Tôi kể bạn nghe về bé Tuyền của năm mười tuổi, còn tôi của hai mươi năm sau đã là một mệnh đề không cần thiết để đề cập trong quyển sách này nữa rồi.

Bạn đã đọc quyển sách này chưa? Nếu chưa, hãy thử tìm đọc và cảm nhận nhé! Biết đâu, khi mở trang sách ra cả một vùng tuổi thơ sống dậy nồng nàn trong tim bạn. Và khi khép lại trang cuối cùng bạn lại đặt bút kể lại cho chính mình một câu chuyện riêng cũng nên.